Đèn trợ sáng xe máy ngày càng phổ biến vì hiệu quả cao, giá thành dễ tiếp cận. Bạn nên cân nhắc vì đèn trợ sáng có thể được xem là thay đổi kết cấu xe, vi phạm luật giao thông.
Hiện tại, nhiều mẫu xe máy tại thị trường Việt Nam đã được trang bị đèn chiếu sáng LED nhưng hiệu quả thực tế thì không được như mong đợi. Theo nhận xét của nhiều chủ xe, đèn LED nguyên bản của xe chỉ như “cho có”, không đủ đáp ứng nhu cầu khi vào đường tối, khi trời mưa hoặc chạy tốc độ cao.
Do đó, nhiều người tìm đến đèn trợ sáng như phương án để cải thiện độ sáng của đèn xe máy. Tuy nhiên, làm dụng đèn trợ sáng xe máy sẽ dẫn đến một số hệ quả không tốt, có thể vi phạm luật giao thông.
Đèn trợ sáng xe máy là gì?
Đèn trợ sáng xe máy là đèn lắp thêm ngoài những vị trí đèn nguyên bản, có tác dụng tăng khả năng chiếu sáng cho xe. Đèn trợ sáng thường sử dụng công nghệ LED, được lắp ở chân kính chiếu hậu, phuộc trước hoặc ghi-đông (với xe ghi-đông trần)…
Đèn trợ sáng xe máy có thể lắp ở nhiều vị trí khác nhau.
Đèn trợ sáng cho xe máy xuất hiện tại Việt Nam từ sau năm 2010 và phổ biến từ năm 2014-2015. Giai đoạn đầu, đèn trợ sáng chỉ dành cho mô tô vì đòi hỏi công suất cao và giá cả tương đối đắt đỏ, chi phí tối thiểu khoảng 1,5 triệu đồng. Sau năm 2015, đèn trợ sáng được tối ưu cho xe máy nhiều hơn cũng như đa dạng mẫu mã và giá thành dễ tiếp cận, chỉ từ vài trăm nghìn đồng.
Ưu nhược điểm của đèn trợ sáng
Ưu điểm
- Ánh sáng chiếu xa hơn những loại đèn khác
- Cường độ phát ra ánh sáng mạnh
- Phù hợp với tất cả dòng xe máy đời mới
- Dễ tháo lắp, không ảnh hưởng nhiều đến kết cấu của xe
- Độ bền cao
- Đèn trợ sáng có khả năng tản nhiệt tốt
- Giá thành của các loại đèn trợ sáng tương đối hợp với túi tiền người sử dụng
Lưu ý khi lắp đèn trợ sáng
Hiện nay, bạn có thể dễ dàng tìm được đèn trợ sáng ở nhiều cơ sở, cửa hàng bán đồ chơi xe máy. Vì cần can thiệp vào hệ thống điện của xe, bạn cần tìm cơ sở uy tín để lắp đèn trợ sáng, tránh những trục trặc về sau.
Cần tìm các thương hiệu đèn uy tín để lắp, tránh hư hỏng về sau.
Dù giá thành rẻ, bạn cũng nên lựa chọn những thương hiệu có uy tín hay ít nhất là được nhiều người sử dụng và đánh giá tốt. Đèn kém chất lượng thường tản nhiệt kém cũng như dễ bị chết bóng LED, nghiêm trọng hơn có thể gây chập mạch toàn xe.
Cần lựa loại đèn có công suất phù hợp với xe, với xe máy dưới 175 cc nên sử dụng đèn từ 5W đến khoảng 20W. Các loại đèn công suất trên 30W có thể gây hao ắc-quy với xe máy.
Khi lắp lên xe, ưu tiên các vị trí trên cao như dưới đèn chính, chân kính hậu vì lắp phía dưới dễ bị văng cát đá, gây hư hỏng. Khi lắp trên cao, bạn cần chỉnh hướng đèn xuống phía dưới để tránh gây chói mắt người đối diện.
Có nên lắp đèn trợ sáng cho xe máy không?
Đa phần đèn nguyên bản của xe máy không đáp ứng nhu cầu chiếu sáng khi đi đêm, ở nơi hẻo lánh không có đèn đường. Điều này có thể gây nguy hiểm, tai nạn giao thông do không nhận diện được người cùng di chuyển trên đường.
Nếu bạn thường xuyên di chuyển xa vào ban đêm, đèn trợ sáng sẽ là “người bạn đồng hành” đáng tin cậy. Đối với cộng đồng phượt, đèn trợ sáng gần như là trang bị không thể thiếu trên những hành trình.
Lạm dụng đèn trợ sáng có thể gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, đèn trợ sáng xe máy ngày càng bị lạm dụng. Nhiều trường hợp di chuyển trong phố đã đủ ánh sáng nhưng vẫn bật đèn trợ sáng gây ảnh hưởng đến người đi đường. Bên cạnh đó, nhiều người còn tích hợp đèn trợ sáng như đèn xin vượt, sử dụng một cách vô tội vạ.
Bên cạnh việc ảnh hưởng người đi đường, lắp đèn trợ sáng cho xe máy có thể bị phạt. Căn cứ Khoản 13 Điều 8 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định:
“Điều 8. Các hành vi bị nghiêm cấm
13. Lắp đặt, sử dụng còi, đèn không đúng thiết kế của nhà sản xuất đối với từng loại xe cơ giới; sử dụng thiết bị âm thanh gây mất trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng”.
Nếu bạn lắp thêm đèn trợ sáng cho xe máy thì bạn đã vi phạm luật giao thông và mức xử phạt được quy định như sau:
Điểm e Khoản 1 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định cụ thể về mức phạt với hành vi này của bạn như sau:
“Điều 17. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông
1. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
e) Điều khiển xe không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng, không đúng tiêu chuẩn thiết kế;”
Như vậy, hành vi tự ý lắp thêm đèn trợ sáng cho xe máy được xác định là không đúng tiêu chuẩn thiết kế của xe tương ứng với mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.